Bác sĩ chỉ điểm những thói quen xấu khiến trẻ bị cong cột sống, cha mẹ cần sửa ngay
Cong cột sống là tình trạng cột sống bị uốn cong về bên trái hoặc bên phải, hoặc bị cong quá mức về phía trước hay phía sau. Từ đó không còn giữ được các đoạn cong sinh lý như bình thường. Theo đó, thường sẽ có 3 vị trí cột sống dễ bị cong vẹo nhất, đó là: cổ, ngực và thắt lưng.
– Cột sống cổ bị cong về phía trước sẽ khiến vai bị trùng dẫn đến tư thế vai so le.
– Cột sống phần ngực cong về phía sau khiến vai thấp, lưng tròn – được gọi là gù.
– Cột sống ở thắt lưng bị cong khiến thân người ngả về sau – gọi là tư thế ưỡn.
Bệnh cong cột sống có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng diễn ra phổ biến nhất với nhóm trẻ em từ 7 – 15 tuổi, bé gái bị nhiều hơn bé trai.
Ở độ tuổi này, khung xương của trẻ vẫn còn trong giai đoạn hoàn thiện, nếu cứ thực hiện những thói quen xấu ảnh hưởng đến khung xương sẽ gây ra tình trạng cong cột sống (Ảnh: Internet)
Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cong cột sống ở trẻ. Có thể kể đến như: vẹo cột sống bẩm sinh, cong vẹo cột sống do bệnh lý thần kinh cơ, cong vẹo cột sống do bàn chân bẹt.
Nhưng, yếu tố thường thấy nhất là do một số thói quen xấu sau đây của trẻ. Khi cha mẹ thấy trẻ đang mắc phải những thói quen không tốt này, thì cần nhắc nhở và sửa ngày cho con, tránh để lâu ngày sẽ khiến hệ thống xương khớp của trẻ chịu ảnh hưởng xấu.
Những thói quen xấu khiến trẻ bị cong cột sống
1. Ngồi sai tư thế
Theo các nhà nghiên cứu, ngồi sai tư thế trong khi học là nguyên nhân phổ biến nhất, gây ra tình trạng cong cột sống ở trẻ em trong độ tuổi học đường. Nguyên là vì ngồi sai tư thế khiến trẻ có xu hướng cúi đầu nhiều hơn, khiến phần xương ở ngực cong về phía sau làm tăng áp lực lên cột sống. Theo đó, một vài tư thế ngồi học không đúng mà các con thường mắc phải có thể gồm:
– Cúi mặt sát bàn khi viết hoặc đọc sách.
– Tì ngực vào cạnh bàn hay thậm chí là nằm ra bàn trong lúc viết, học bài.
– Khoảng cách từ sách, vở đến mắt của bé quá xa.
– Vừa viết bài vừa dùng tay chống một bên đầu.
– Nằm rạp ra bàn trong khi đọc sách hoặc viết bài.
Nếu trẻ duy trì các tư thế trên trong thời gian dài, cột sống có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề và dần dần mất đi đường cong sinh lý. Vì thế, khi cha mẹ nhìn thấy con mình đang ngồi học sai tư thế, cần lên tiếng nhắc nhở và điều chỉnh ngay cho con.
2. Sử dụng các thiết bị công nghệ liên tục
Ngày nay, việc trẻ em sử dụng điện thoại thông minh ngay từ khi còn nhỏ đã trở thành một hiện tượng hết sức phổ biến. Bên cạnh lợi ích là giúp trẻ được khám phá mọi thứ một cách nhanh chóng và đa dạng hơn, thì vẫn có những mặt nguy hại đối với tình trạng này.
Về mặt tâm lý, trẻ sẽ có xu hướng “nghiện” điện thoại và khi không được đáp ứng nhu cầu, các con sẽ dễ trở nên nóng nảy, tâm lý bất ổn và có những hành động quấy rối, nghịch ngợm để đòi hỏi điều mình muốn. Về yếu tố sức khỏe, trẻ sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh về mắt, về xương khớp – nhất là tình trạng cong cột sống.
Nguyên nhân là khi sử dụng điện thoại, trẻ có xu hướng cúi đầu để nhìn và tương tác với màn hình. Trong khi đó, cổ của trẻ có tác dụng nâng đỡ và gánh chịu toàn bộ sức nặng của phần đầu. Nên chỉ cần nghiêng sai tư thế thì cổ của trẻ sẽ phải gánh thêm trọng lượng tương đương với hẳn 4 cái đầu nữa. Thời gian trẻ cúi đầu sẽ tương đường với thời gian trẻ dùng điện thoại, thời gian càng dài thì áp lực từ phần đầu xuống cổ càng cao, tạo góc lệch 60 độ khiến cột sống hứng chịu một trọng lượng gấp hẳn 5 lần bình thường (tương đương khoảng 27kg).
Nếu cha mẹ không kịp thời phát hiện để điều chỉnh và kiểm soát con mình, trẻ sẽ có nguy cơ bị tổn thương cột sống cổ vĩnh viễn, đau nhức suốt đời (Ảnh: Internet)
3. Trẻ đeo balo sai cách hoặc quá nặng
Một trong những nguyên nhân phổ biến khác gây nên tình trạng cong cột sống đó là đeo balo, cặp sách quá nặng hoặc đeo sai cách. Việc này tưởng chừng vô hại nhưng vô tình làm tăng gia tăng chứng cong, vẹo cột sống ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, thậm chí gây khuyết tật nếu không được điều trị và phòng ngừa.
Việc trẻ đeo ba lô quá nặng khiến cơ thể có xu hướng chúi về phía trước, ảnh hưởng đến tư thế tự nhiên, gây chèn ép cột sống, cổ, vai,… Không chỉ vậy, một số trẻ còn có thói quen đeo balo một bên, điều này thì lại càng nguy hiểm hơn vì áp lực đè nặng một bên vai có thể dẫn đến tình trạng vai cao vai thấp, cột sống không chịu được áp lực sẽ cong về phía ngược lại. Biểu hiện cấp tính trẻ có thể tự nhận biết và nói cho bố mẹ chính là triệu chứng căng cơ, đau nhức.
Vì vậy, cách tốt nhất mà cha mẹ cần làm để phòng cong vẹo cột sống cho con là sử dụng balo có đệm lưng, đai trọng lực, đeo balo không quá 10% trọng lượng cơ thể. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần hướng dẫn con đeo balo đúng cách để tránh tạo áp lực lên cột sống.
Balo phải được đeo thẳng và sát lưng, tuyệt đối không đeo cặp sang một bên vì sẽ khiến hai bên vai không chịu lực đồng đều, dẫn đến hiện tượng vai cao vai thấp (Ảnh: Internet)
4. Trẻ có thói quen ngủ sấp
Theo một số nghiên cứu cho thấy, hầu hết trọng lượng cơ thể luôn tập trung ở phần giữa cơ thể. Vì thế, nếu trẻ nằm sấp khi ngủ, khối trọng lượng sẽ dồn nén xuống phần bụng, khiến cột sống bị ảnh hưởng và trở nên cong vẹo. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ khó có thể phát triển chiều cao tối đa, nguy cơ lưng sẽ bị gù hoặc lệch sống lưng.
Vì thế, cha mẹ cần hướng dẫn và rèn luyện cách ngủ đúng tư thế cho con ngay từ nhỏ. Theo đó, tư thế ngủ nghiêng sang trái hoặc nằm ngủ thẳng có gối kê hai bên được xem là đúng và tốt cho sức khỏe nhất. Nên nếu thấy con có xu hướng nằm ngủ sấp, cha mẹ phải nhắc nhở và sửa lại cho con ngay.
Cong cột sống là bệnh trạng phổ biến ở nhóm lứa tuổi học đường. Để hạn chế nguy cơ mắc căn bệnh này, cha mẹ cần hướng dẫn con ngồi đúng tư thế, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể,và thường xuyên kiểm tra tổng quát 6 tháng 1 lần, giúp đảm bảo cột sống phát triển bình thường. Ngoài ra, là hãy sửa ngay cho trẻ những thói quen xấu như trên để tránh gây hại cho cột sống nhé!
Xem thêm: 6 dấu hiệu này xuất hiện trên bàn tay cảnh báo lượng đường trong máu tăng cao
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin
Comments are closed.