Mẹ chuẩn bị cho trẻ 2 “vũ khí” này khi quay lại trường học, sẽ không có bệnh tật nào dám tấn công

Thời điểm giao mùa khiến thời tiết – nhiệt độ thay đổi bất thường, độ ẩm trong không khí tăng cao. Đây được xem là một trong những điều kiện lý tưởng để các tác nhân gây bệnh như virus/ vi khuẩn/ vi nấm được sản sinh và phát triển nhanh chóng, hình thành nhiều loại bệnh nhiễm trùng – hô hấp, bao gồm: viêm phế quản, viêm đường hô hấp, cúm A, viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, sốt xuất huyết, thủy đậu, tay chân miệng, sốt siêu vi, sốt phát ban, và mới đây nhất là tình trạng đau mắt đỏ hoành hành.

Một trong những đối tượng dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh nhất chính là nhóm trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, do hệ miễn dịch của các trẻ ở độ tuổi này vẫn chưa được hoàn thiện, không đủ sức để chống lại nên rất dễ mắc bệnh (Ảnh: Internet)

Theo Bộ Y tế, hiện tại là thời điểm có nhiều sự biến đổi liên tục về thời tiết, chẳng hạn như lúc nắng lúc mưa tại nhiều khu vực, trong khi sự giao lưu đi lại của người dân cao nhưng ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt,… chính là những điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây hại ngoài môi trường có hội sinh sôi và phát triển mạnh, khiến các bệnh truyền nhiễm – hô hấp dễ bùng thành dịch lớn.

Trong khi đó, do hệ miễn dịch và đề kháng của trẻ thường yếu hơn so với người lớn, khi quay trở lại trường và không may tiếp xúc với mầm bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Các bác sĩ nhi khoa bày tỏ lo ngại rằng trước tình hình bệnh viện quá tải, nguồn thuốc khan hiếm như hiện nay thì tỷ lệ mắc sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.

Để phòng bị cho trẻ khi quay trở lại trường, tốt nhất thì cha mẹ nên chủ động chuẩn bị sẵn cho con 2 “vũ khí” sau đây, nhằm giúp trẻ có đủ sức chống lại bệnh tật và học tập hiệu quả khi trở lại trường:

1. “Khiên chắn” hệ miễn dịch

Các chuyên gia sức khỏe khẳng định, muốn có đủ sức để chống chọi lại với các tác nhân gây bệnh, mọi người phải có một sức khỏe vững chắc, đặc biệt hệ thống miễn dịch – đề kháng trong cơ thể phải hoạt động mạnh mẽ. Bởi nó chính là “khiên chắn” mà cũng là “vũ khi” của con người, giúp ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn/ virus từ bên ngoài đi vào cơ thể, đồng thời tiêu diệt sự hoành hành của các tác nhân gây bệnh ở bên trong.

Với trẻ em, hệ miễn dịch lại càng quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Vậy cha mẹ cần làm gì để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, câu trả lời chính là: tập trung vào chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của trẻ.

– Cha mẹ cần đảm bảo các bữa ăn hàng ngày của trẻ phải có đủ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột (cơm, bánh mì, nui, cháo,…), chất đạm (thịt đỏ, hải sản, trứng, gan, các loại đậu,…), chất béo (bơ, các loại cá béo, dầu thực vật,…), vitamin và khoáng chất thiết yếu (trái cây, rau củ, sữa và các chế phẩm từ sữa,…) để giúp cân bằng dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe cho trẻ.

Ngoài ra, không nên cho trẻ dùng nhiều các loại thực phẩm như nước ngọt, nước có gas, bánh kẹo ngọt, thức ăn nhanh,… vì nó không tốt cho sức khỏe của trẻ (Ảnh: Internet)

– Hãy khuyến khích trẻ tham gia các loại hình vận động để nâng cao thể chất, thông qua việc bơi lội, đạp xe, chạy bộ,…

– Nhắc nhở con uống nước thường xuyên, tránh tình trạng mất nước xảy ra.

2. Trang bị cho trẻ những kiến thức quan trọng để bảo vệ sức khỏe

Dù lo cho con đến đâu, chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu thì bố mẹ cũng không thể cùng con đến trường hay theo sát con mọi lúc, mọi nơi được. Thay vào đó hãy trang bị cho con kiến thức và “vũ khí” để tự bảo vệ chính bản thân mình. Nhất là trong việc giữ gìn vệ sinh, tránh xa và loại bỏ vi khuẩn, virus gây hại, gồm cả vi khuẩn biến đổi.

1. Điều đầu tiên mà cha mẹ cần dạy cho trẻ chính là giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt là thói quen rửa tay. Bởi vi khuẩn, virus luôn có mặt trong không khí và các bề mặt nên trẻ sẽ rất dễ bị lây nhiễm nếu không may chạm tay vào các vật dụng có chứa chúng.

Do đó, cha mẹ nên rèn luyện cho con thói quen rửa tay sau mỗi một lần đụng phải một vật lạ gì đó, hoặc trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh (Ảnh: Internet)

2. Điều thứ hai đó là nhắc nhở trẻ hạn chế đưa tay hoặc để người khác chạm vào cơ thể – đặc biệt là các vùng nhạy cảm như mắt, mũi, miệng. Đầu tiên, vì bên trong không khí cũng như các bề mặt rất dễ là nơi trú ngụ của nhiều vi khuẩn nguy hiểm, nếu không may đưa tay lên các vùng mắt, mũi, miệng thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Thứ hai, vì chúng ta hoàn toàn không xác định được ai là người đang mang mầm bệnh, nên việc để người khác chạm vào trẻ cũng dễ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.

3. Điều thứ ba đó là nhắc nhở trẻ nên hạn chế, hoặc nếu được thì không nên chia sẻ đồ dùng cá nhân, không ăn chung chén, uống chung ly cùng bạn bè. Bởi virus và vi khuẩn có thể dễ dàng lây truyền qua đường nước bọt thông qua các vật dụng, khiến trẻ dễ có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng gián tiếp. Cha mẹ nên chuẩn bị các vật dụng riêng cho trẻ, bao gồm: khăn tay, khăn giấy, kem chống muỗi, nước rửa tay, bình uống nước cá nhân,… để sử dụng nếu lớp học không có vật dụng riêng cho từng người.

Trên đây là 2 điều mà cha mẹ cần chuẩn bị cho trẻ khi trẻ quay lại trường, nhằm giúp con có thể khoẻ mạnh, vui vẻ quay trở lại trường học mà không lo bị bệnh tật tấn công. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên hợp tác với nhà trường để cùng nhau kiểm soát tình hình dịch bệnh, không để xảy ra nơi trường học giúp các trẻ có thể học tập và phát triển một cách toàn diện nhất.

Xem thêm: Đổ mồ hôi liên tục ngay cả khi ở phòng máy lạnh, cơ thể bạn đang cảnh báo điều gì?

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Comments are closed.