Tại sao sàng lọc tuyến giáp lại cần thiết đối với trẻ sơ sinh?
Các chuyên gia sức khỏe cho biết, tuyến giáp chính là cơ quan nội tiết lớn nhất trong cơ thể con người, nằm ở phía trước cổ và có hình dạng cánh bướm. Cơ quan này có vai trò sản sinh và điều tiết các hormone tuyến giáp (chủ yếu là hormone Thyroxine T4 và hormone Triiodothyronine T3) – nhằm thực hiện nhiều chức năng quan trọng, gồm: điều chỉnh sự trao đổi chất, nhiệt độ cơ thể và tâm trạng, duy trì lượng canxi trong máu, ổn định nhịp tim, tăng cường – phát triển não bộ và hệ thần kinh, cũng như là khả năng sinh sản.
Vì có nhiều chức năng tối quan trọng và tác động trực tiếp đến sự sống của con người, việc thực hiện sàng lọc tuyến giáp ngay sau khi chào đời cho trẻ là điều cực kỳ cần thiết. Việc làm này nhàm bảo đảm rằng trẻ nhà bạn không bị mắc chứng suy giáp bẩm sinh.
Theo đó, suy giáp bẩm sinh là tình trạng trẻ sơ sinh không thể sản xuất đủ hormone tuyến giáp. Thông thường khi mang thai, thai nhi sẽ nhận được lượng hormone tuyến giáp cần thiết từ mẹ. Vì vậy, việc bào thai thiếu sản xuất nội tiết tố hầu như không được nhận thấy cho đến khi ra đời. Việc suy giáp ở trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy giảm nhận thức thần kinh và thiểu năng trí tuệ nghiêm trọng và không thể hồi phục.
Cứ trong 2.000 đến 4.000 trẻ sơ sinh được sinh ra sẽ có 10 trẻ không sản xuất đủ hormone tuyến giáp (Ảnh: Internet)
Những tác hại của việc suy giáp bẩm sinh không được điều trị kịp thời ở trẻ
Nếu bé sơ sinh bị bệnh lý suy giáp bẩm sinh và không được cha mẹ và các bác sĩ phát hiện điều trị kịp thời, trong khoảng 2 – 3 tuần đầu sau sinh, bệnh có thể gây ra những hậu quả sau:
– Trong giai đoạn sơ sinh: trẻ thường bị vàng da và tình trạng này kéo dài hơn bình thường, màu da thường xám chì và tái. Trẻ sẽ ngủ nhiều, không linh hoạt với các tiếng ồn môi trường bên ngoài, ít khóc, hay bỏ bú hoặc bú ít, không tỉnh táo khi mẹ cho bú, chậm lên cân, tay chân thường lạnh, lưỡi hay thò ra ngoài,…
– Giai đoạn sau sơ sinh và trẻ nhỏ: trẻ chậm phát triển về mặt thể chất (thường chậm lên cân và chậm phát triển chiều cao) và tinh thần, tư duy không linh hoạt,… so với trẻ bình thường.
Nếu phát hiện bệnh lý suy giáp bẩm sinh quá trễ, việc điều trị sẽ gặp khó khăn, ít hiệu quả do những di chứng phát triển tâm thần, hay do thiếu hormon T4 kéo dài không thể hồi phục, từ đó có thể dẫn đến nguy cơ thiểu năng trí tuệ khi lớn lên ở trẻ (Ảnh: Internet)
Thực hiện sàng lọc tuyến giáp ở trẻ sơ sinh gồm những bước nào?
Sàng lọc sơ sinh là phương pháp phát hiện sớm nhất bệnh suy giáp bẩm sinh ở trẻ nhỏ.
– Đầu tiên, việc xét nghiệm sẽ được thực hiện ngay sau khi sinh 48 giờ. Trẻ sẽ được lấy mẫu máu từ gót chân hoặc máu tĩnh mạch mu tay thấm vào giấy thấm. Mẫu giấy này được gửi đến trung tâm xét nghiệm để xác định nồng độ hormone TSH hoặc T4.
– Nếu giá trị TSH của trẻ cao hoặc giá trị T4 dưới khoảng trung bình, tức là bé đang có nguy cơ cao mắc bệnh suy giáp bẩm sinh nguyên phát. Trong trường hợp này, cha mẹ sẽ được thông báo cho trẻ đến khám và có thể làm lại xét nghiệm bằng máu tĩnh mạch để xác định chẩn đoán.
– Sau đó, các bác sĩ sẽ tư vấn và giới thiệu gia đình đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa nội tiết để chẩn đoán, theo dõi và điều trị.
Hormone tuyến giáp rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ sơ sinh, và những trường hợp suy giáp bị bỏ sót có thể dẫn đến chậm phát triển trí tuệ và nhận thức. Một xét nghiệm sàng lọc tuyến giáp đơn giản có thể có mang đến những kết quả tích cực trong việc điều trị (nếu không may trẻ thật sự bị suy giáp bẩm sinh), từ đó có thể ngăn ngừa các hậu quả về thần kinh khi trẻ lớn lên.
Xem thêm: Hãy cẩn thận với căn bệnh ung thư dạ dày, nó chính là nguyên nhân gây ra 15.000 ca tử vong mỗi năm
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin
Comments are closed.